Vai trò đặc biệt mới của các giám đốc tài chính

Với những hiểu biết chuyên sâu, các giám đốc tài chính sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho tổ chức trong bối cảnh mới, nổi bật trong đó là đưa nỗ lực giải quyết bài toán biến đổi khí hậu vào trong chiến lược của doanh nghiệp.

Giám đốc tài chính góp vai trò quan trọng trong hoạch định và triển khai chiến lược của doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm nổi bật vai trò quan trọng của các giám đốc tài chính trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và hồi phục mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch về vai trò của các giám đốc tài chính trong bối cảnh mới.

Theo các cuộc khảo sát và nghiên cứu quy mô toàn cầu, giám đốc tài chính sẽ góp sức nhiều ơn trong bài toán chiến lược của doanh nghiệp. Không chỉ đơn thuần là nhà lãnh đạo trong mảng tài chính.

Ông Sharath Martin, cố vấn chuyên môn của ACCA khu vực ASEAN ANZ trong Diễn đàn CFO Việt Nam 2021 đã nhận định, các giám đốc tài chính đang chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực truyền thống xưa nay như tài chính, pháp lý và quản lý mà chưa nghĩ nhiều về cách thức tác động đến khách hàng, sản phẩm và dịch vụ.

Trong đó, ông Martin nhấn mạnh một ví dụ, các giám đốc tài chính cần bắt đầu suy nghĩ về tác động của vấn đề biến đổi khí hậu đến thời gian các sản phẩm nằm trên kệ trước khi được bán đi cũng như những tác động của nó đến nguồn cung, kho vận…

Một cuộc khủng hoảng có thể xảy đến bất cứ lúc nào từ câu chuyện biến đổi khí hậu mà nếu không có kế hoạch rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ khó có thể vượt qua.

Theo vị chuyên gia này, toàn bộ nguồn cung toàn cầu bị tác động sâu sắc bởi biến đổi khí hậu. Các giám đốc tài chính cần kiểm tra toàn bộ chuỗi giá trị để hiểu rõ nguồn cung của doanh nghiệp.

Ông chỉ ra rằng, hơn 15% trong các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào thiên nhiên, theo một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua một nhà cung cấp phụ thuộc thiên nhiên. Nếu nguồn cung từ thiên nhiên bị cắt đứt hoặc gián đoạn do những vấn đề như biến đổi khí hậu thì doanh nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Vấn đề được đặt ra là các doanh nghiệp sẵn lòng đầu tư bao nhiêu ngân sách cho việc đối mặt với biến đổi khí hậu. Theo ông Martin, các doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có mức độ đầu tư cho việc chống lại biến đổi khí hậu thấp hơn nhiều so với toàn cầu.

Dù không thể kiểm soát thiên nhiên nhưng việc đầu tư cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những cách thức quan trọng để các doanh nghiệp làm chủ tình huống khi có sự cố cũng như giảm thiểu được những tác động tiêu cực từ vấn đề thiên nhiên.

Hơn thế nữa, thế hệ tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Y và Z rất quan tâm đến tính thân thiện với môi trường khi đưa ra quyết định mua hàng. Nếu không theo sát tâm lý này, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tự đặt mình ngoài lề của cuộc chơi.

Thậm chí, trên thế giới hiện nay, các ngân hàng và nhà đầu tư đang có phong trào dịch chuyển dòng đầu tư đến các khách hàng dùng các khoản vay để hướng về các mảng doanh nghiệp xanh.

Việc nghiên cứu khai thác và hợp tác với các doanh nghiệp xanh cũng là một trong những gợi ý của ông Martin.

“Đây là cơ hội để các chuyên gia tài chính có thể tạo ra chất xúc tác cho doanh nghiệp hành động về chống biến đổi khí hậu bằng việc đưa ra những góc nhìn sâu. Các giám đốc tài chính cần là chiến lược gia, đặt ra các câu hỏi quan trọng để ra kế hoạch hành động”, vị chuyên gia đến từ ACCA nói.

Ông Martin cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp cần được hiện diện trên bảng cân đối kế toán và báo cáo lỗ lãi của doanh nghiệp. Cần xác định được những tác động của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp một cách chân thực.

Đặc biệt, các kế hoạch để đưa mức phát thải ròng về 0 với các mục tiêu cụ thể cần nhanh chóng được đặt vào trọng tâm của chiến lược từ nay đến 2030

“Các CFO không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị mà còn là bảo tồn giá trị. Giám đốc tài chính có vai trò khác biệt và chủ động trong chống biến đổi khí hậu”, ông Martin nói.

Thay vì tự đặt mình nằm ngoài cuộc chơi, CFO cần thể hiện vai trò đầu tàu, không chờ đợi HĐQT, ban điều hành mà phải chủ động đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hoạt động và mục tiêu của doanh nghiệp. Ông Martin cho rằng, điều đó sẽ tạo nên tác động khổng lồ.

Việc sớm đảm nhiệm vai trò này một cách nghiêm túc ít nhất sẽ giúp các giám đốc tài chính giảm bớt tình huống phải đối mặt với những câu hỏi từ ban điều hành như tại sao lại gặp gián đoạn về cung ứng, tại sao khách hàng chọn đối thủ – vì họ xanh hơn chăng, xử lý ra sao với phần tài sản đang mắc kẹt ở những vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tại sao ngân hàng tăng chi phí lãi vay và không đồng ý cho các khoản vay mới…

== MBA CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH CỦA MỸ ==

[/kc_column_text][/kc_column][/kc_row]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *