5 Kỹ Năng Giúp Vận Hành Tốt Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ
Quản lý và vận hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) luôn đem đến nhiều thách thức cho nhà quản trị khi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ kinh doanh, nhân lực, quản lý nội bộ… 5 kỹ năng dưới đây sẽ giúp người quản lý khái quát hoá những vấn đề gặp phải và vận hành doanh nghiệp tốt hơn.
Hoạch định chiến lược hợp lý
Những ý tưởng mới về sản phẩm, dịch vụ vẫn chưa đủ để giúp doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, khi mà mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các đối thủ trong nước lẫn quốc tế. Một doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường nhất định phải có một chiến lược hợp lý, nhằm tìm kiếm “đại dương xanh” của mình – phác thảo hình ảnh, đặc điểm của nhóm khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới, từ đó đưa ra chiến lược thâm nhập vào thị trường ngách tiếp cận khách hàng.
Xây dựng thương hiệu riêng và chiến lược marketing/truyền thông
Xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện của những công ty đa quốc gia hay những tập đoàn lớn, mà là của tất cả những doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Xác định tính cách, đặc điểm riêng của thương hiệu thông qua logo, slogan, màu sắc, tầm nhìn, sứ mệnh,… Từ đó thiết lập chiến dịch truyền thông thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ còn e ngại với các khoản ngân sách chi cho việc quảng cáo, tuy nhiên đây là hoạt động cần thiết giúp cho doanh nghiệp định vị và giữ vững chỗ đứng trong tâm trí khách hàng.
Quản lý vốn và thiết lập ngân sách tài chính
Tìm kiếm nguồn vốn và quản lý dòng tiền là một trong những vấn đề nan giải của nhà quản lý. Bên cạnh nguồn vốn sẵn có và vay ngân hàng – cho thuê tài chính dẫn trở thành một hình thức được nhiều nhà quản trị tìm đến để bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp với nhiều ưu điểm như: không cần tài sản thế chấp, có thể sở hữu tài sản sau khi thuê, tỷ lệ tài trợ cao… Qua đó, cho thuê tài chính dần trở thành kênh huy động đáng tin cậy của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà quản trị cần chú ý đến quản trị dòng tiền, phân bổ ngân sách hợp lý cho các hoạt động kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro việc thiếu hụt dòng tiền; thông qua việc xem xét các chỉ số tài chính như chi phí vận hành, chi phí bán hàng, biên lợi nhuận gộp, các chỉ số tài chính trung gian…
Xây dựng quy trình và kiểm soát nội bộ
Để vận hành doanh nghiệp một cách trơn tru ngay từ lúc bắt đầu, người quản lý cần phải xây dựng quy trình nội bộ với những chính sách hợp lý cho các phòng ban liên quan. Hệ thống hoá quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động, bên cạnh đó nhà quản trị có thể xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành dựa vào các nguyên tắc, quy trình đã được đưa ra. Việc mất đi hoặc thay thế người phụ trách cũng sẽ diễn ra tinh gọn và không ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động.
- Tận dụng nền tảng số và digital marketing
Ưu điểm của các start-up khi gia nhập thị trường là việc áp dụng những công nghệ mới ngay lúc đầu giúp cho doanh nghiệp tối ưu hoá hoạt động kinh doanh. Trong thời đại 4.0, nhà quản trị dễ dàng tìm thấy hàng loạt phần mềm quản lý đa nhiệm hỗ trợ cho các lĩnh vực như kế toán, kho bãi, bán hàng… giúp doanh nghiệp quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn bên cạnh việc tiết kiệm chi phí nhân sự. Ngoài ra, digital marketing được nhiều start-up chú trọng do tính hiệu quả cao và chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh quảng cáo truyền thống. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Linkedln… giúp cho nhà quản trị không chỉ gia tăng kết quả kinh doanh mà còn thu hút nhân sự dễ dàng hơn.