[Quantri] Cần Thay Đổi Năng Lực Quản Trị Trong Các Cơ Sở Y Tế

Một bác sĩ thường chỉ giỏi chuyên môn chứ ít ai giỏi luôn cả năng lực quản trị. Theo theo cơ chế hiện nay, khi đề bạt giám đốc bệnh viện (BV) hoặc giao quyền quản lý trong BV thì tiêu chí chuyên môn vẫn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, không ít các bác sĩ, và giám đốc BV vẫn quan niệm rằng quản trị BV (QTBV) là bộ phân tổ chức hành chính đơn thuần, phần lớn, GĐ điều hành BV theo sự trải nghiệm, khả năng tự có chứ không qua trường lớp đào tạo nào. “Tư duy như vậy dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, hoạt động BV thiếu tính chuyên nghiệp, lủng củng và rối rắm là một thực trạng đang diễn ra tại các BV”. Một bác sĩ cho biết. Để thay đổi và cải thiện tồn tại này thì sự thay đổi tư duy cũng như cập nhật kiến thức quản trị BV của gIám đốc (GĐ) BV rất quan trọng.

Tuy nhiên thực tế tại các BV công, do cơ chế, kể cả tư duy nên việc thay đổi không dễ dàng chút nào. Tương tự  ở các BV tư, các nhà đầu tư có thể bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cơ sở vật chất nhưng bỏ ra một số tiền “thuê” GĐ điều hành chuyên nghiệp thì…ngại. Một phần vì phải trả lương khá cao, (ở nước ngoài GĐ điều hành  BV thường được trả lương từ 200.000 đến 500.000 USD/năm, phần vì không muốn mình là người “chủ” lại chịu sự điều hành của một người khác. Nói vậy không có nghĩa không có BV tư nào dám thuê GĐ điều hành. Bệnh viện Hoàn Mỹ trong quá khứ đã từng “thuê” một GĐ điều hành có bằng QTBV tại Mỹ (có bằng MHA- Master of Health Administration) về làm việc nhưng chỉ một năm sau vị giám đốc này đã phải ra đi vì những điều học được cũng như  những ý tưởng kinh doanh, cải tổ, kinh nghiệm điều hành quản lý không thể áp dụng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng-Tổng giám đốc Công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ thừa nhận: “Lúc đó tư duy của tôi chưa thay đổi, tôi cũng chưa hiểu hết chức danh GĐ điều hành này sẽ làm những gì ở BV, phạm vi công việc của họ tới đâu. Mặt khác do tư duy cũ vẫn còn nên  khi vị GĐ này tìm hiểu về các hoạt động của BV như tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, qui trình quản lý rủi ro trong kinh doanh, hiệu quả đầu tư …tôi vẫn…bí mật, chưa dám trao đổi cởi mở  và chính điều đó đã cản trợ công việc của vị GĐ này”. 

Không tìm được GĐ điều hành có chuyên môn QTBV, một số BV cũng đã thuê GĐ điều hành ngành QTKD nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn họ lại chia tay vì…không quen quản lý BV. Ở các nước, giám đốc BV phải có cao học QTBV (MHA), cao học QTKD (MBA), cao học  y tế cộng đồng (MPH- Master of Public Health) và có ít nhất 1 năm kinh qua vai trò quản lý (leadership). Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội quản lý BV ở Mỹ  cũng cho thấy giám đốc BV vừa có bằng QTBV vừa có bằng bác sĩ sẽ mang lại lợi nhuận cho BV cao hơn những người chỉ có bằng quản trị kinh doanh đơn thuần. Điều này cũng lý giải tại sao một số BV tư mặc dù đã “thử” tuyển dụng giám đốc điều hành từ các khoa quản trị kinh doanh nhưng vẫn không đảm đương nổi công việc ở BV. Theo bác sĩ  Tùng: “Do BV là một ngành đặc thù nên GĐ điều hành BV chuyên nghiệp cũng có những đòi hỏi đặc thù khác xa với một bác sĩ làm GĐ bởi ngoài chuyên môn họ còn phải có nghiệp vụ quản lý tổng thể, biết thiết lập những chính sách và công cụ hiệu quả để sử dụng nhân tài, kiểm soát các hoạt động chuyên môn, tài chính, hành chánh…phù hợp với mô hình hoạt động của BV, biết đưa ra chiến lược phát triển, biết đầu tư cái gì, hiệu quả ra sao, kỹ năng giao tiếp đối nội, đối ngọai, sử dụng con người, và thiết lập qui trình, qui chế quản lý……

Và để có năng lực quản trị tốt thì người GĐ điều hành phải có khả năng xây dựng bộ máy quản lý trung gian tốt, biết ủy quyền, phân công công việc và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các GĐ khác như GĐ chuyên môn, GĐ tài chính, GĐ hành chánh, GĐ phát triển đầu tư… và vai trò của các GĐ này ở BV cũng khác với  vai trò GĐ cùng chức danh này ở doanh nghiệp. Chẳng hạn, GĐ tài chính ở BV phải  là người biết tìm nguồn tài chính cho BV và phải biết biết vận dụng kinh tế vào y tế để phân tích tài chính trong y tế ví như mua một thiết bị y tế hiệu quả như thế nào, triển khai một dịch vụ y tế sẽ tính được hiệu quả ra sao… Muốn vậy, anh ta phải hiểu rất kỹ về lĩnh vực dịch vụ y tế. Song  thực tế, việc tìm kiếm các GĐ đảm nhiệm vị trí này cho BV là một điều vô cùng khó  do  không có nơi đào tạo hoặc nếu có cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, các BV chỉ có kế toán trưởng: tính toán thu chi là chính, họ chưa biết cách liên kết giữa vấn đề chuyên môn và tài chính nên không thể  đóng góp đưa ra các dịch vụ phục vụ tốt hơn”. 

Lý giải sự yếu kém về năng lực QTBV, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung-Bệnh viện An Sinh còn cho rằng: “Do chất lượng đào tạo ngành QTBV tại Việt Nam hiện chưa đúng. Thực chất khoa QTBV  Trường ĐHDL Hùng Vương (nơi duy nhất đào tạo ngành QTBV tại TP.HCM cũng chỉ dạy giống như ngành Quản trị kinh doanh đơn thuần và thêm một số môn học cơ bản về y khoa như dịch tễ học, sinh lý, sinh hoá, tổ chức y tế, pháp y…Trong khi đó cách đào tạo ở Singapore là “muốn hiểu cái nhà thì người chủ nhà phải hiểu chi tiết cấu trúc bản vẽ”, nghĩa là họ dạy rất chi tiết  các cấu trúc của BV, một BV sẽ có gì, khoa gì, đặc thù ra sao vá các mối quan hệ giữa các khoa hoạt động thế nào, thậm chí đào tạo cả kỹ năng giao tiếp, phục vụ sau đó mới dạy chuyên sâu”. 

Quản lý bệnh viện tốt, sẽ đem lại chất lượng điều trị tốt, có lợi cho người bệnh, có lợi cho người làm công tác chuyên môn, có lợi cho nhà đầu tư (Nhà đầu tư có thể là Nhà nuớc hoặc tư nhân) và trên hết có lợi cho tòan xã hội. Do đó việc thây đổi một cơ cấu tổ chức, trước tiên phải thây đổi tư duy hệ thống để tạo ra một đội ngữ quản lý và lãnh đạo BV tốt, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chúng ta không nên sợ chi tiêu quá nhiều vào quản trị và lãnh đạo BV, vì đó là sự đầu tư làm gia tăng giá trị, chất lượng, gia tăng giá trị hiệu hiệu , thương hiệu của mình. Đó là con đường tốt nhất đưa BV đến thành công.  

== Xem thêm khóa MBA Chuyên Ngành Healthcare Management: TẠI ĐÂY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.