Học Ít Tiếp Thu, 4 Bí Quyết Sau Sẽ Giúp Bạn

Theo một nghiên cứu được đăng trên tờ The Telegraph, trong thời đại ngày nay, chúng ta phải tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ – gấp 5 lần so với thời điểm 30 năm trước, tương đương với 174 tờ báo/ngày. Dĩ nhiên, nhiều trong số đó là các tấm ảnh chụp trên Instagram hay nhiều dòng tâm sự trên Facebook. Tuy nhiên, không phải tất cả lượng thông tin chúng ta tiếp nhận đều đến từ mạng xã hội. 

Trong một bài viết trên trang Harvard Business Review, ở khía cạnh doanh nghiệp, không gian học hỏi qua mạng Internet đã lớn hơn gấp 9 lần, khi mà gần như 80% công ty ở Mỹ đều có riêng các khoá học online dành cho nhân viên, góp phần đưa thông tin đến tay người học dễ dàng hơn bao giờ hết.

Có câu nói: “Thông tin là sức mạnh”, nên có lẽ bạn sẽ cho rằng, với lượng thông tin đồ sộ và dễ dàng truy cập như thế, kiến thức của con người sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Theo một khảo sát của tờ Newsweek, lượng kiến thức thông thường của một người lớn ở Mỹ vẫn không khác gì mấy so với thời điểm… 80 năm về trước. Và, ở khía cạnh doanh nghiệp, một nhân viên thực tế chỉ áp dụng được khoảng 15% những gì đã học online.

Một cách ngắn gọn, có thể thấy, chúng ta đang tiêu thụ nhiều thông tin hơn, nhưng lại chẳng học hỏi tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta đang trở thành những người học tập kém hiệu quả hơn. Vậy. làm cách nào để chúng ta có thể học tập hiệu quả hơn trong một thế giới tràn ngập thông tin như hiện nay? 4 bí quyết sau sẽ cho bạn lời đáp.

 

Dù được tiếp cận với lượng thông tin nhiều gấp 5 lần so với 30 năm trước, song lượng kiến thức thông thường của một người lớn vẫn không khác gì mấy so với thời điểm… 80 năm về trước.

 

1. Tập trung vào duy nhất một chủ đề trong vài tháng 

Thay vì để những cái tít giật gân làm bạn xao nhãng, hãy lựa chọn cho mình một chủ đề duy nhất và chỉ đọc về nó mà thôi. Ngoài việc giúp nạp thêm thông tin mới trên nền các thông tin cũ, việc tập trung tìm hiểu duy chỉ một chủ đề còn mang đến một lợi ích quan trọng khác, có liên quan đến cách mà não bộ của chúng ta hoạt động.

Gần đây, Adam Gazzaley – một nhà thần kinh học nổi tiếng người Mỹ – đã chia sẻ trong quyển sách The Distracted Mind của mình rằng, “chúng ta càng lọc bỏ được nhiều thông tin không cần thiết bao nhiêu, thì bộ nhớ của chúng ta sẽ càng hoạt động hiệu quả bấy nhiêu”. Nếu cứ phải xử lý những thông tin vốn dĩ chẳng liên quan gì đến mục tiêu của mình, thì rốt cuộc, bạn sẽ bị xao nhãng. Việc chắt lọc thông tin là điều thực sự cần thiết cho quá trình tiếp thu, ghi nhớ kiến thức và ra quyết định. Vì thế, thói quen đọc tràn lan mà không chọn lọc sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng.

2. Hệ thống hoá kiến thức đang học dưới dạng sơ đồ

Một sơ đồ được trình bày mạch lạc sẽ đóng vai trò như một bản thiết kế, giúp não tạo lập không gian để sắp xếp thông tin mà nó tiếp nhận được một cách đâu ra đó. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX, nhà tâm lý học Jean Piaget – người đầu tiên sử dụng thuật ngữ schema (sơ đồ/lược đồ) – đã khẳng định giá trị của việc hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ trong quá trình học tập. Thuật ngữ này được Piaget sử dụng để mô tả quá trình phân loại thông tin mới theo những kiểu mẫu nhất định. 

Ứng dụng sơ đồ trong học tập sẽ giúp não bộ nạp thêm thông tin mới một cách hiệu quả hơn, khi mà nó giúp liên kết thông tin mới – cũ với nhau một cách có hệ thống. Một ví dụ đơn giản: Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy một chiếc máy vi tính được đặt cụ thể trong phòng làm việc hơn là trong một căn nhà kho rộng lớn mà không có bất cứ gian phòng nào. Giống như vậy, nếu biết sắp xếp và phân loại thông tin mới một cách hệ thống, có liên kết với thông tin cũ, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu thông tin ấy hơn.

 

3. Thường xuyên tổng hợp kiến thức được học

Tổng hợp là hành động liên kết các kiến thức rời rạc với nhau nhằm tạo nên một khối thống nhất; với trọng tâm là khối kiến thức sau khi được tổng hợp phải mang ý nghĩa hoặc có cấu trúc hoàn toàn mới. Định nghĩa này đến từ một công trình nghiên cứu mang tên Bloom’s Taxonomy of Cognitive Development (Thang đo nhận thức của nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin S. Bloom). Đây là một thang đo nhận thức 6 cấp độ, mà trong đó, tổng hợp kiến thức là kỹ năng tư duy đứng ở bậc cao nhất, thậm chí trên cả việc ứng dụng kiến thức. Điều này có nghĩa là, bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn từ việc tổng hợp kiến thức.

Tổng hợp kiến thức là một kỹ năng khá phức tạp, vì nó đòi hỏi người học tìm ra cái mới dựa trên nền tảng kiến thức cũ. Khác với tóm tắt thông tin, khi tổng hợp kiến thức, bạn cần phải có ý kiến và suy nghĩ của riêng mình để có thể tìm thấy điểm nổi bật; còn tóm tắt chỉ đơn thuần là việc “nhả” lại những kiến thức đã nhận mà thôi. Một cách đơn giản để giúp luyện tập kỹ năng tổng hợp kiến thức là tự đặt câu hỏi cho bản thân. Ví dụ như: “Tôi rút ra được bài học quan trọng gì sau khi đọc bài viết này?”

4. Có chu kỳ nạp và ngưng nạp thông tin

Trong quá trình học, sẽ có lúc bạn cần phải hạn chế việc tiếp nhận thêm thông tin mới, để có thể tập trung ôn tập, xem xét và vận dụng những điều đã học. Hãy nhớ rằng, thông tin mới sẽ ít nhiều có tác động lên những gì đã học. Trên trang TechCrunch, một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ hàng triệu người học ngoại ngữ sử dụng ứng dụng Duolingo đã chỉ ra rằng, những cá nhân có dành thời gian để ôn lại bài cũ sẽ học tập hiệu quả hơn những người liên tục nạp thêm kiến thức mới.

Vậy thế nào để biết khi nào cần nạp thêm kiến thức và khi nào cần dừng lại để ôn tập? Duolingo cho biết, nếu cảm thấy mình sắp sửa quên một kiến thức nào đó đã học, ấy là lúc bạn nên ôn tập. Hãy tự tóm tắt những thông tin đã học theo một chủ đề ưa thích, và nếu bạn nhận ra mình không thể làm điều này, thì ấy là lúc cần dừng việc tiếp thu để ôn tập.

Giữa lúc con người bị bủa vây bởi một lượng thông tin khổng lồ từ những trang blog, video YouTube, post Facebook v.v.. như ngày nay, đừng để bản thân bạn trở thành nạn nhân của những thông tin trông có vẻ thích mắt nhưng thực tế lại chẳng mang đến chút giá trị nào. Hãy trở thành một người biết đọc và biết học một cách hiệu quả; mà nhờ đó, có thể tận dụng triệt để lượng thông tin mà chúng ta tiếp nhận.

 

== DNSG ==

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.