Lợi Ích Của MBA Với Các Doanh Nhân
Lợi ích của MBA như thế nào đối với một doanh nhân? Đa số doanh nhân Việt đều trưởng thành từ kinh nghiệm kinh doanh thực tiễn, ít người được đào tạo bài bản, đúng nghĩa. Nếu chỉ có kinh nghiệm mà không có những kiến thức chuyên nghiệp thì doanh nhân không thể theo kịp những biến đổi của nền kinh tế ngày nay. Vì vậy, ở quy mô nhỏ ban dầu, không ít doanh nhân đã gặt hái được thành công, nhưng họ không tạo nên được bước đột phá hoặc không duy trì được thành công lâu dài.
Là những người đã có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, vì vậy với chương trình đào tạo MBA doanh nhân sẽ nhanh chóng hoàn thiện được các kỹ năng kinh doanh cho mình. “MBA đã mang đến cho tôi các kĩ năng kinh doanh mới kết hợp với kinh nghiệm kinh doanh cũ của tôi để trở thành một công cụ kinh doanh mạnh hơn” (Doanh nhân Tom McCulloch – Tốt nghiệp Damelin International College of Postgraduate Business Sciences). Lợi ích của MBA cũng giúp doanh nhân phát triển cá nhân tốt hơn và mở ra các mối quan hệ, mạng lưới kinh doanh trong tương lai. Tất cả điều đó sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thành công hơn.
Các lợi ích của MBA đối với doanh nhân
Hoàn thiện các kỹ năng kinh doanh: Doanh nhân được cung cấp những kiến thức thực tế về lãnh đạo, quản lý, tầm nhìn chiến lược, có thêm sự hiểu biết vào rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cũng như các phương pháp giải quyết vấn đề. Họ có cơ hội tiếp cận được các tình huống kinh doanh thực tiễn và có thể chia sẻ những ý tưởng cũng như những giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp và của cá nhân mình. Để quản lý thành công hoạt động kinh doanh trong môi trường phức tạp, những kiến thức này sẽ không thể thiếu được.
Nguyễn Huy Tâm sinh viên đang theo học khóa MBA cho biết: “Quả thực, những kiến thức của khóa học MBA này đã thay đổi cách thức quản lý của tôi. Nhờ nó, tôi có khả năng suy nghĩ về mọi khía cạnh của lĩnh vực quản lí và lãnh đạo…”
Phát triển cá nhân: Trong suốt thời gian đào tạo, doanh nhân thường xuyên thực hành những kỹ năng kinh doanh mới theo sự phát triển của các xu hướng kinh doanh. Điều này thúc đẩy họ phải liên tục cải thiện bản thân mình. Thành quả mà họ đạt được do vậy không chỉ là những tấm bằng quốc tế mà còn là quá trình trau dồi và nỗ lực vươn lên của chính bản thân mình.
Dù là những người có nhiều kinh nghiệm từ thực tế, nhưng trong quá trình học MBA, doanh nhân cũng liên tục đối mặt với những điều chưa biết, với các vấn đề phức tạp cần phân tích và giải quyết. Quá trình thực hành, trao đổi với các thành viên khác trong lớp giúp họ có sự tự tin để tiếp tục các thách thức trong môi trường kinh doanh thực tế.
Mở rộng quan hệ: Các lớp MBA chính là môi trường tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển mối quan hệ, xây dựng mạng lưới liên lạc kinh doanh trong tương lai. Có những lớp MBA toàn “sếp”, như một lớp học MBA do một trường ĐH ở Hà Nội liên kết với một ĐH của Mỹ tổ chức, thì cả lớp có 40 học viên, trong đó có đến 70% là các giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp tư nhân, 30% còn lại cũng là những vị đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước. Ở đây các doanh nhân không chỉ có dịp trao đổi, học hỏi lẫn nhau, mà còn có cơ hội tạo nên các mối quan hệ khách hàng, đầu tư….mới.
Phương pháp đào tạo của MBA
Với mục đích lấy người học làm trung tâm, vì vậy phương pháp đào tạo của MBA nhằm phát huy tối đa tính chủ động của các học viên. Phương pháp học chủ yếu là làm việc theo nhóm, trực tiếp trao đổi, thảo luận, và kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành. Đây là phương pháp học theo tiêu chuẩn cho những người đã có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực quản lý, hoạt động kinh doanh. Vì vậy học viên có càng nhiều kinh nghiệm làm việc thì việc học càng trở nên hữu ích.
Làm việc theo nhóm: Hầu hết các khóa học MBA đều phát triển chương trình làm việc theo nhóm. Vào đầu năm, các lớp học được thành lập thành các nhóm, mỗi nhóm từ 3 đến 4 người, và thường là những người có các mối quan tâm khác nhau vào một nhóm. Điều này có mục đích thông qua nhóm làm việc, các học viên sẽ ảnh hưởng tới nhau, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để từ đó có quan niệm toàn cầu hơn, bao quát hơn.
Với cách học nhóm này, các học viên nếu chưa từng có chút kinh nghiệm nào trong quản lý doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh thì theo học sẽ khó khăn hơn, không thể chia sẻ và tiếp thu được kiến thức một cách hiệu quả.
Trực tiếp trao đổi, thảo luận: Lớp học là một môi trường trao đổi, tại đó, mỗi học viên có cơ hội đóng góp hiểu biết của mình cho những người còn lại, đồng thời tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm từ những người khác. Nội dung môn học được nêu ra thành các chủ đề, các tình huống gắn liền với thực tế. Giảng viên, học viên sẽ cùng nhau tranh luận về đề tài đó, đưa ra các quan điểm, các hướng giải quyết khác nhau. Phương pháp học này không chỉ giúp học viên có những trải nghiệm thực tế qua bài học, mà còn giúp họ phát triển kỹ năng trình bày, thuyết phục, thương lượng, đàm phán, viết báo cáo…hay kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề.
Kết hợp chặt chẽ lí thuyết và thực hành: Các chương trình MBA thường đưa ra các nghiên cứu hoặc các dự án ngắn cho học viên thực hiện. Quá trình thực hiện này giúp học viên phát triển khả năng hiểu biết thực tế hơn về kinh doanh, và có điều kiện áp dụng ngay những kiến thức mình vừa học. Đây cũng chính là một cơ hội để người học nắm bắt và phát triển các ý tưởng mới, vì các nghiên cứu hoặc các dự án họ thực thiện có thể phát triển thành những ý tưởng kinh doanh sau này.
Thông tin thêm khóa học MBA CSU tổ chức từ năm 2001 đến nay tại Việt Nam: https://csu.edu.vn/