Việc xác định tố chất, thiên hướng nghề nghiệp là bước khởi động hết sức cần thiết cho cuộc hành trình tương lai nhiều cơ hội và thách thức. Nếu bạn đã xác định rõ học ngành Quản trị kinh doanh yêu cầu những gì thì hãy tự tin, mạnh dạn chinh phục giấc mơ của mình.
1. Bạn đam mê kinh doanh và khát vọng làm giàu chân chính:
Theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh, bạn phải thực sự đam mê kinh doanh, quản lý và có khát vọng làm giàu chân chính. Một khi đã yêu thích say mê, bạn sẽ có động cơ bền bĩ để chiếm lĩnh tri thức và bám trụ, tâm huyết với nghề.
2. Có năng lực tiên liệu, dự báo
Môi trường kinh doanh không ngừng vận động, biến chuyển, đòi hỏi các nhà quản trị phải có tầm nhìn, óc phán đoán, dự báo tương lai, chủ động thích nghi nhanh với các đổi thay để tồn tại và phát triển.
Để đứng vào vị trí của các nhà kinh doanh, bạn phải là người hiểu biết sâu sắc và tiên liệu về thương trường và mua bán, về đồng vốn và tiếp thị, về đầu tư và hạch toán, về nhân lực và điều hành,…đặc biệt trong những điều kiện đối đầu với mọi thử thách.
3. Tố chất lãnh đạo
Đây là tố chất không thể thiếu khi xác định theo đuổi quản trị kinh doanh. Để trở thành một nhà quản trị kinh doanh giỏi bạn phải có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng và động viên mọi người quanh mình cùng làm việc để đạt được kết quả cao.
4. Các kỹ năng quản lý
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các nhà tuyển dụng không chỉ coi trọng kiến thức mà còn đề cao kỹ năng. Để hòa nhập vào môi trường thực tiễn đòi hỏi bạn phải trang bị cho mình vốn kỹ năng nghề nghiệp khá rộng.
Trước tiên, kỹ năng quản lý là điều kiện tiên quyết. Trên tiến trình đi đến quyết định đúng đắn nhất, nhà quản trị không thể không có kỹ năng quản lý, bao gồm: quản lý thị trường, quản lý khách hàng, quản lý thông tin, quản lý dòng sản phẩm hay quản lý cả các thành viên trong kênh phân phối…
5. Khả năng truyền đạt, giao tiếp tốt
Nhà quản lý kinh doanh không phải là cái loa chỉ biết lặp lại những gì ông chủ nói. Họ phải biết cách biểu đạt và diễn giải một số điều mà chủ doanh nghiệp không thể trực tiếp nói ra.
Nhà quản trị kinh doanh phải là người có năng lực truyền đạt, điều hành, hoạch định kế hoạch và quản lý. Lãnh đạo trực tiếp của các nhà quản trị kinh doanh là giám đốc doanh nghiệp và thuộc cấp của họ là các nhân viên kinh doanh. Vì thế, họ vừa là cánh tay phải của ông chủ doanh nghiệp vừa là người bạn tri tâm của các nhân viên.
6. Năng lực cao, sắp xếp công việc thỏa đáng:
Cán bộ quản trị kinh doanh giỏi cần có năng lực làm việc cao, hoàn thành tốt công việc được giao, đề ra mục tiêu cụ thể. Đồng thời, họ phải sắp xếp nhân sự một cách hợp lý, xử lý công việc có đầu có cuối.
7. Chịu áp lực tốt, thích môi trường cạnh tranh
Để có thể phát triển và làm việc với ngành quản trị kinh doanh, đòi hỏi nguời thực hiện phải am hiểu một lượng kiến thức không nhỏ về các quy luật kinh tế, phương pháp quản trị, chiến lược kinh doanh. Đồng thời, phải rèn luyện liên tục, trang bị những kỹ năng cần thiết để đáp ứng được công việc chuyên môn:
– Kỹ năng Xây dựng chiến lược, và lập các kế hoạch kinh doanh
– Kỹ năng nghiên cứu, phát triển thị trường
– Kỹ năng xây dựng, điều hành hệ thống kinh doanh
– Các kỹ năng về marketing, tiếp thị
Nguời làm trong ngành quản trị kinh doanh phải luôn năng động, nhạy bén, tự tự tin, mạnh mẽ, có khả năng làm việc với nhiều áp lực, có sự cạnh tranh. Có khả năng ăn nói và thuyết phục mọi người. Người nhiều năng lượng, tham vọng nhưng cũng rất hòa đồng và thích giao du.