Trong khi chịu cú giáng nặng nề từ đại dịch, nền kinh tế vẫn còn điểm sáng đó là các doanh nghiệp đang tranh thủ thời kỳ giãn cách để tích cực chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của thương mại điện tử nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, khắc phục những khó khăn do thực hiện chính sách giãn cách xã hội.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD trong năm 2020, chỉ sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, Google dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực, với 34%.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng. Hầu hết sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung, hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company từng đánh giá, nhân tài là yếu tố hàng đầu mà các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng và nỗ lực cải thiện để bảo đảm duy trì đà tăng trưởng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD năm 2025. Với Việt Nam, thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực còn mới và chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Giải pháp chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp
Việt Nam hiện có hạ tầng khá hiện đại để xây dựng năng lực số cho quốc gia. Thiết nghĩ cần có 3 định hướng cơ bản mà Chính phủ đóng vai trò trung tâm: Thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động trang bị những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số; Thứ hai là bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước; Thứ ba là thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ, tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân.
Đại dịch Covid-19 bùng phát là nguy cơ cho nền kinh tế nhưng “trong nguy có cơ” và “trong cơ có nguy”. Việc hạn chế giao tiếp đã khiến cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phải làm quen với việc mua sắm online và các sàn giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, dự kiến phải đến đầu năm 2022 nền kinh tế mới bắt đầu trong trạng thái bình thường mới. Những hậu quả nặng nề do đại dịch giáng xuống nền kinh tế phải mất vài năm sau mới khôi phục được.