[mba] – CORONAVIRUS – DOANH NGHIỆP CẦN GÌ ĐỂ SỐNG SÓT?
Tăng gắn kết với nhân viên thông qua liên lạc trực tuyến, xử lý những tình huống do khả năng tiền mặt eo hẹp là một trong những biện pháp doanh nghiệp có thể chủ động để duy trì và cầm cự giữa dịch Covid-19.
Sự bùng phát và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thời gian gần đây đã tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Theo chuyên gia quản lý rủi ro Nicholas Bahr của Công ty giải pháp bền vững DuPont (DuPont Sustainable Solutions) tại Mỹ, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và chính phủ, doanh nghiệp có thể chủ động một số vấn đề nhằm sẵn sàng cho thời điểm mở cửa trở lại.
Đã dành khoảng 35 năm qua cho việc giúp đỡ các doanh nghiệp ứng phó với các rủi ro địa chính trị, khí hậu hay khủng bố, ông Nicholas Bahr cho rằng: “Bây giờ là thời điểm để biến rủi ro thành cơ hội”.
Thứ nhất, quan tâm, lo lắng tới nhân viên. Doanh nghiệp cần thiết lập các mối liên lạc trực tuyến chặt chẽ và thường xuyên với các nhân viên nhằm nắm rõ tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trấn an và nhất là những hỗ trợ dự kiến dành cho họ.
Thứ hai, xây dựng hệ thống quản trị. Doanh nghiệp cần tạo ra hệ thống quản trị để từ đó đưa ra quyết định, tập trung vào dữ liệu thay vì cảm xúc. Hệ thống quản trị này có thể gồm ba cấp độ, bao gồm ngắn hạn để xử lý các vấn đề về nhân sự và công việc hàng ngày; trung hạn nhằm ra kế hoạch dự trữ tiền mặt và kế hoạch sa thải; dài hạn nhằm tính toán các tác động kinh tế lớn.
Thứ ba, thực hiện đánh giá rủi ro. Ngay cả khi doanh nghiệp đã có hệ thống đánh giá rủi ro thì có thể hiện không còn phù hợp với tình hình Covid-19. Do đó, doanh nghiệp nên thiết lập phương pháp mới, tập trung vào các biện pháp vệ sinh và an toàn cần thiết để bảo vệ con người, tài chính, công nghệ và hoạt động trong thời gian dịch bệnh.
Thứ tư, tăng truyền thông ra bên ngoài. Ông Bahr nhấn mạnh rằng, trong khủng hoảng, niềm tin là hàng hóa lớn nhất. Doanh nghiệp nên dành thời gian trấn an khách hàng, đối tác và công chúng rằng doanh nghiệp cũng đang thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm chống lại sự bùng phát và thậm chí góp phần giải quyết.
Phương tiện truyền thông xã hội được xem là một nền tảng thích hợp cho việc tuyên truyền này.
Thứ năm, đánh giá chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu xem hiện nay còn những khách hàng nào và yêu cầu ra sao, từ đó trao đổi với các nhà cung cấp về năng lực cung ứng hiện tại. Ông Bahr lưu ý doanh nghiệp cần cảnh giác khi nhà cung cấp có thể đưa ra lời hứa hẹn vượt ngoài khả năng.
Trong tình huống eo hẹp về tiền mặt, doanh nghiệp hãy suy nghĩ về việc trao đổi các sản phẩm, quyền lợi hay dịch vụ.
Thứ sáu, xem xét rủi ro hoạt động. Doanh nghiệp cần đánh giá mọi khía cạnh hoạt động, lập danh sách kiểm tra trước khi bắt đầu, đảm bảo doanh nghiệp hoàn toàn sẵn sàng khi tình hình xã hội cho phép.
Thứ bảy, sử dụng thời gian chết hiệu quả. Doanh nghiệp nên tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ về việc phát triển bất kỳ dịch vụ và sản phẩm nào mới. Khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình này để người lao động cảm thấy có giá trị và năng suất làm việc tốt.
Nicholas Bahr cho rằng điều kiện kinh doanh sẽ có khả năng thay đổi theo 4 cách trong thời gian dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động từ xa khi làm việc tại nhà trở nên khả thi hơn, từ đó tạo ra sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Vấn đề toàn cầu hóa sẽ được xem xét để các chuỗi cung ứng có khả năng thích ứng tốt hơn với những cú sốc. Và cuối cùng, các doanh nghiệp nói chung cần trở nên mạnh mẽ hơn, tập trung vào kế hoạch dài hạn hơn.