CEO Microsoft nói về yếu tố không ngờ giúp thành công trong kinh doanh
Khi Satya Nadella lên nắm quyền kiểm soát Microsoft vào hơn ba năm trước, ông đã giác ngộ được rằng mình không có khả năng phát triển phần cứng hay những dòng code, nhưng có một yếu tố khác giúp ông lãnh đạo thành công “gã khổng lồ” công nghệ này.
Trong cuốn hồi ký kinh doanh của ông, “Hit Refresh: The Quest to Rediscover Microsoft’s Soul and Imagine a Better Future for Everyone”, với vai trò là CEO mới của công ty, Nadella đã kể lại việc ông nhận ra những quyết định sai lầm của công ty không phải do sự thiếu hiểu biết của nhân viên mà là do sự thiếu kết nối văn hoá giữa mọi người.
Trong một bài đăng blog gần đây trên LinkedIn, Nadella cho biết ông hy vọng các độc giả sẽ thấy được thông điệp chính của cuốn sách là “sức mạnh của những hành động có sự thấu cảm”, tức là hãy đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu cảm xúc của họ.
Thấu cảm nghe có vẻ khôi hài đối với một công ty công nghệ khổng lồ, nhưng đó lại là chủ đề xuyên suốt của cuốn sách. Nadella đã đưa ra ví dụ hấp dẫn để lý giải lý do tại sao thấu cảm trong kinh doanh lại quan trọng hơn mọi người vẫn nghĩ.
Sự thấu cảm giúp cải thiện làm việc nhóm
Cơ quan, văn phòng luôn là nơi xảy ra những mâu thuẫn về tính cách, đặc biệt là trong một nhóm người khôn khéo và luôn yêu cầu cạnh tranh cao.
Nadella đã phải đối mặt với tình huống như vậy khi ông trở thành CEO vào năm 2014. Ông viết trong cuốn Hit Refresh: “Thực trạng làm việc theo nhóm của chúng tôi đã được thay thế thành những chính kiến chủ quan, và chúng tôi đã bị tụt lại ở phía sau”. “Tôi ngưỡng mộ tất cả các thành viên trong nhóm, bên cạnh đó thì tôi cảm thấy rằng chúng tôi cũng cần có sự hiểu biết sâu hơn về nhau để có thể kết nối những triết lý sống của mỗi cá nhân đến với công việc” – Ông mô tả cách team mình vượt qua các thử thách, và mọi người phải có sự hiểu biết nhất định về nhau.
Thấu cảm giúp mọi người cởi mở hơn
Bạn có thể nghĩ rằng thấu cảm là được thể hiện bằng hành động như quyên góp, tình nguyện, hay làm một số hành động tốt khác. Nadella cho biết nó là nhiều hơn thế: Nó giúp bạn suy ngẫm nhiều hơn về quan điểm của người khác.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của khách hàng”, Nadella cho biết trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Wall Street gần đây. “Và bạn sẽ không thể làm tốt nếu không có sự thấu cảm.” Nadella thừa nhận ông đã không nhận ra tầm quan trọng của sự thấu cảm cho đến khi con trai ông ra đời và bị bại não. Trải nghiệm này đã giúp ông hiểu rõ hơn vì sao đặt bản thân vào hoàn cảnh của một người khác lại quan trọng như vậy.
Thấu cảm giúp bạn thừa nhận những sai lầm và tiến về phía trước
Thấu cảm là một phẩm chất cho phép bạn bước lùi lại nếu bạn nghĩ mình đang đi sai đường, bạn sẽ cần phải thay đổi hướng đi hoặc cho bản thân một cơ hội mới để bắt đầu tốt hơn.
Nadella đã tiếp quản Microsoft ngay sau khi công ty mua hãng điện thoại Nokia với giá hơn 7 tỉ đô la, một khoản đầu tư mà các nhà phân tích công nghệ đã cho rằng đó là một kế hoạch tồi tệ. Dưới thời Nadella, Microsoft đã cố gắng ngừng cạnh tranh với các thiết bị Android và Apple để tập trung hơn vào những lĩnh vực mà nó có thể “tỏa sáng” như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.