Chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ sẽ cất cánh vào ngày 28/11 tới, sau đúng 20 năm kể từ khi Vietnam Airlines thành lập văn phòng đại diện tại nước này.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines
Chiều 16/11/2021, Vietnam Airlines chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Với sự kiện này, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ.
Trước đó, vào ngày 4/11/2021, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. FAA là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay đến Mỹ.
Chứng chỉ của FAA có hiệu lực không giới hạn về thời gian và cho phép Vietnam Airlines chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giấy phép mà Mỹ đã từng cấp cho các hãng hàng không Việt Nam trước đó để bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hãng đã chuẩn bị 20 năm cho việc mở và khai thác đường bay này, kể từ thời điểm thiết lập văn phòng đại diện tại Mỹ.
Ông Hà cho biết, Vietnam Airlines đã xây dựng đề án khai khác đường bay thường lệ Việt – Mỹ từ 2005, tuy nhiên, quá trình xây dựng đề án và mở đường bay không hề dễ dàng.
Mỹ là một thị trường lớn và tiềm năng nhưng lại mang tính cạnh tranh bậc nhất trên thế giới. Riêng đường bay giữa Việt Nam và Mỹ hiện có khoảng 20 hãng hàng không đang khai thác. Các hãng hàng không phải đáp ứng được những điều kiện kỹ thuật, an toàn, an ninh rất khắt khe của Mỹ.
“Vietnam Airlines đã vượt qua quá trình làm việc với 9 cơ quan ở Mỹ để hoàn tất thủ tục. Chúng tôi vẫn nói đùa một câu rằng nếu cân số tài liệu đã chuẩn bị thì cũng lên đến hàng trăm kg”, ông Hà chia sẻ.
Một cột mốc đáng chú ý được ông Hà nhấn mạnh là ngày 15/2/2019, Cục Hàng không Việt Nam chính thức được trao chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ sau nhiều năm nỗ lực. Đây là cơ sở cho việc mở và khai thác đường bay đến Mỹ.
Dự kiến chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên sang Mỹ sẽ cất cánh vào ngày 28/11/2021. Chuyến bay chiều đi khởi hành từ TP.HCM đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về cất cánh đêm 29/11 có thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Bước đầu, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay nối giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần.
Hãng cho biết sẽ tăng lên 7 chuyến bay thẳng đến Mỹ mỗi tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Các chuyến này bao gồm cả hành khách đi lại Việt Nam – Mỹ và khai thác phân khúc hàng hoá.
Các chuyến bay thẳng thường lệ đến Mỹ sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Không chỉ khai thác đường bay sang San Francisco, Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu các đường bay đến các điểm đến khác ở Mỹ.
Ông Hà cho biết, gần nhất, Vietnam Airlines đang báo cáo và theo sát Cục Hàng không Việt Nam để mời Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ sang khảo sát và đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài để có thể mở thêm đường bay thẳng nối Hà Nội và Hoa Kỳ, chuẩn bị cho việc đánh giá khảo sát khả năng khai thác chuyến bay đến Los Angeles trong tương lai gần.
Đánh giá về cơ hội của chuyến bay thẳng thương mại thường lệ sang Mỹ, ông Hà cho rằng, thị trường khách giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với Việt Nam về vận tải hàng không, mở ra cơ hội cho Vietnam Airlines.
“Với đường bay này, dung lượng thị trường còn có với Việt Nam hơn 2,2 triệu người Việt kiều. Đó là cơ hội cho Vietnam Airlines khai thác”, ông Hà nói.
Đường bay thẳng đến Mỹ là mảnh ghép quan trọng của hãng trong vai trò mở rộng sự kết nối giữa Việt Nam với thế giới.
Mặc dù Covid-19 đang tác động tiêu cực và nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành hàng không nói riêng nhưng ông Hà vẫn tin tưởng vào tương lai của ngành vận tải hàng không sẽ sớm phục hồi nhờ vào tốc độ tiêm chủng và các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam.
Ông Hà cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, Vietnam Airlines đang phải tháo ghế ở bảy máy bay A350 và Boeing 787, sáu máy bay A321 để đẩy mạnh mảng vận tải hàng hoá. Trong đại dịch, hãng bay này đã khai thác hàng hoá đến hơn 30 điểm đến mới.
Hiện nay, Vietnam Airlines vẫn duy trì hai chuyến bay thương mại thường lệ/tuần nối Việt Nam – Tokyo, Việt Nam – Seoul, Việt Nam – Sydney và Melbourne. Các chuyến bay này giúp Vietnam Airlines có thể sử dụng thêm hai máy bay thân rộng để đưa vào khai thác, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm của tiếp viên, phi công, kỹ sư máy bay…