Việc tương tác billboard ở ngoài trời, tuy không phổ biến nhưng lại gây được sự chú ý và hiệu ứng mạnh mẽ đối với cộng đồng khi có ý tưởng sáng tạo, hài hước.
Bắt đầu từ câu chuyện tương tác giữa Baemin và Gojek, với hai đại diện nhãn hàng là cặp đôi đình đám nhất nhì Vbiz trên billboard: “Em ăn gì, anh đặt Baemin giao” với hình ảnh đại diện là Trấn Thành và “Ăn gì cũng được, Gojek giao là được” với hình ảnh Hari Won – bà xã Trấn Thành với câu đối đáp thú vị.
Dư luận chưa hết thú vị thì Nam Dương xuất hiện với thông điệp: “Ăn gì, ai giao cũng được, có nước tương Nam Dương là được!”. Ngay lập tức đã thu hút hàng chục nghìn tương tác, bình luận của người đi đường và cư dân mạng. Đa số đều cho rằng, sự vào cuộc “tương tác” của Nam Dương là một phản ứng nhanh, hiệu quả cho marketing.
Trong ngành quảng cáo, việc tiếp thị thông qua các “đấu bảng quảng cáo” cũng rất phổ biến.
Cuộc “khẩu chiến” billboard ở ngã sáu Cộng Hòa này khiến người dân TP.HCM có dịp nhớ đến bảng hiệu đối nhau của hai nhãn hàng thức uống dinh dưỡng năm 2018. Bên xanh lá thì “Nhà vô địch làm từ M.”, phía “đội đỏ” O. đối diện lại mọc lên bảng in hình hai mẹ con chỉ tay sang đối thủ kèm dòng chữ “Chẳng cần nhà vô địch, chỉ cần con thích”.
Giới quảng cáo quốc tế cũng từng chứng kiến những màn đối đáp kịch tính giữa các đối thủ nhưng buộc phải chia sẻ không gian nhỏ cùng dựng bảng: Pepsi – Coca Cola, McDonalds – Burger King, Apple – Samsung, Fedex – DHL…
Một trong những “case study” kinh điển được nhắc nhớ nhiều nhất về độ dài hơi, hài hước, có lẽ là Mercedes và BMW – hai ông lớn trong ngành xe hơi của Đức.
Cụ thể, ngày 7/3/2016, BMW kỷ niệm tròn 100 năm thành lập. Nhân dịp này, Mercedes gửi lời chúc mừng kèm thông điệp chơi khăm. Hãng xe logo sao ba cánh làm video ngắn với dòng “Cảm ơn vì đã cạnh tranh trong 100 năm qua”, nhưng không quên kèm theo dòng “30 năm trước thật đúng là hơi tẻ nhạt”. Mercedes ám chỉ rằng BMW dù 100 tuổi, nhưng vẫn còn non trẻ hơn nhiều so với mình, khi hãng này đã 130 tuổi (Mercedes thành lập năm 1886 trong khi BMW ra đời năm 1916).
Theo các chuyên gia marketing, muốn thành công trong cuộc chiến billboard, thương hiệu cần sở hữu hai vũ khí sắc bén: sức sáng tạo và phản ứng nhanh. Óc hài hước, ý tưởng đột phá sẽ tạo nên thông điệp duyên dáng; còn khả năng ứng phó sẽ tạo nên tốc độ phản ứng nhanh cho nhãn hàng để vượt lên dẫn đầu.
Đơn cử như Nam Dương, với cách vận dụng nhuần nhuyễn hai yếu tố này, thông điệp ý nhị, phù hợp giới trẻ nên mặc dù là đối thủ thứ ba xuất hiện trên không trung nhưng không gây phản cảm, không trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Baemin và Gojek. Vì vậy, đã có gần 10.000 lượng tương tác chỉ sau 2 giờ đăng tải, trình diễn billboard của Nam Dương có thể xem là tạo được hiệu ứng tốt, đồng thời thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và được đánh giá cao về tính hiệu quả, sáng tạo…
Pingback: Quản Trị Marketing: Cái Nhìn Mới Về Tương Lai