Mô hình đào tạo tập trung sẽ sớm thành quá khứ
Với tình hình của dịch Covid-19 hiện nay, ngày càng có nhiều biểu hiện cho thấy đào tạo đại học tập trung có thể sẽ sớm trở thành mô hình của quá khứ.
Đại học không còn là những tòa nhà với những lớp học có bàn học cho sinh viên (SV) xếp hàng ngang nữa. Điều này sẽ mang đến nhiều nguy cơ cũng như nhiều cơ hội cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong tương lai.
Các giáo sư Mỹ đang thu thập rất nhiều thông tin hữu ích từ SV để cho việc đào tạo trong môi trường giãn cách xã hội được hiệu quả hơn. Đại dịch Covid-19 và thói quen học tập của SV đang tạo áp lực cho các đại học chuyển qua nền giáo dục 4.0 sớm hơn dự tính.
Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1996 trở lại hiện học ở các cấp bậc phổ thông và đại học. Thế hệ này lớn lên trong môi trường quá tải thông tin, hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguồn thông tin như từ Facebook, YouTube, Chat, Tweet, Tiktok ngoài các nguồn thông tin truyền thống như ti vi, đài và báo chí. Chưa kể họ luôn bị phân tâm bởi video games trên điện thoại và máy tính. Thế hệ Z từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ lúc nào cũng trong tâm trạng chọn lọc thông tin để tập trung và như thế hoạt động của não bộ cho các chức năng cao cũng quá tải. Trong các lớp học trực tiếp, vì môi trường ngoại cảnh và các quy tắc nên họ tập trung nghe giảng bài. Nhưng khi học trực tuyến ở nhà thì các áp lực bên ngoài này không còn nữa, và do đó để học sinh/SV có thể tập trung nghe bài giảng trực tuyến trong môi trường có quá nhiều phân tâm là một thử thách lớn.
Các Đại học Mỹ đã hoàn tất gần hai học kỳ giảng dạy trực tuyến, do đó nhiều trường cho phép SV khi đăng ký môn học có thể tiếp cận các bài giảng trực tuyến từ giảng viên (GV) đang dạy và của các GV khác cùng dạy môn đó. Kinh nghiệm cho thấy SV mong muốn có cơ hội tương tác với GV, do đó nhiều trường ĐH khuyến khích GV dạy trực tuyến đồng bộ qua phần mềm Zoom hay các công nghệ khác thay vì SV chỉ tiếp cận video bài giảng đã thu trước.
Thói quen học tập của thế hệ Z cho thấy SV sẽ chọn lọc dự lớp dạy trực tuyến đồng bộ, coi video bài giảng của GV khác từng dạy lớp đó, hay tìm thông tin về những kiến thức trong bài giảng trên YouTube tùy vào cách nào dễ hiểu hơn đối với họ. Có trường hợp hơn 70% SV đăng ký lớp học nhưng không tham dự các bài giảng trực tuyến đồng bộ của GV đang dạy vì cho là khó hiểu mà đi xem video bài giảng của GV khác.
Các thí nghiệm này giúp các đại học nhận ra mô hình đào tạo 4.0 đang dần hình thành với những đặc điểm sau.
Với công nghệ dạy học/tương tác trực tuyến đồng bộ như Zoom, Teams, Skype Pro, việc lớp học có vài trăm đến cả ngàn SV từ nhiều nơi khác nhau không còn là vấn đề khó khăn về kỹ thuật. Không có một giới hạn địa lý nào cho cả GV và SV. GV có thể từ châu Mỹ, còn SV có thể ở khắp nơi trên thế giới.
Để phát triển kỹ năng tương tác và hợp tác, SV vẫn có cơ hội làm việc nhóm qua các bài tập project-based. SV vẫn có thể làm việc nhóm qua mạng sử dụng phần mềm tương tác. Tuy nhiên trao đổi trực tiếp vẫn tốt hơn. Địa điểm để làm việc nhóm không bắt buộc phải tập trung ở trường đại học nơi SV đăng ký học mà có thể được tổ chức ở nhiều nơi kể cả ở các công ty hợp tác đào tạo…
Chi phí đào tạo sẽ thấp hơn trong khi hiệu quả đào tạo sẽ được cao hơn vì tận dụng được công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo trong các phần mềm hỗ trợ học tập so với mô hình đào tạo tập trung hiện tại. Đây có thể coi là một đột phá trong giáo dục đại học.
Theo: Báo Thanh Niên
[/kc_column_text][/kc_column][/kc_row]