Tại Sao Các CEO Cần Thích Ứng Với Tư Duy Digital Marketing
Với những tác động từ phía đại dịch đã làm thay đổi cơ bản hành vi của đa số người tiêu dùng, các tầng lớp C-suite cần làm gì để phản ứng lại bối cảnh mới.
Tất cả chúng ta đang sống trong giai đoạn bình minh của một thực tế mới đang được thúc đẩy bởi những thay đổi nghề nghiệp và cá nhân.
Đại dịch đã làm chuyển đổi gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, từ cách mọi người tìm kiếm các sản phẩm đến cách mọi người sinh sống và làm việc.
Đó không phải là một điều bình thường (new normal) mới – đó là một thực tế hoàn toàn mới (new reality) trong một thế giới mới.
Những thay đổi đáng kể trong hành vi của người mua sắm.
Đại dịch không chỉ làm thay đổi yếu tố nội tại của các tổ chức – nó cũng tác động khá nhiều đến cách mọi người mua hàng. Những người mua hiện đại đang trở nên tự chủ hơn, độc lập hơn và ảnh hưởng nhiều hơn bởi các công nghệ kỹ thuật số.
Theo nghiên cứu của Vistage, có đến 78% CEO cho rằng Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của khách hàng dựa trên 04 yếu tố chính:
- Chuyển sang mua hàng kỹ thuật số: Người mua đang tiến hành mua sắm trực tuyến và tự nghiên cứu nhiều hơn trước khi ra quyết định mua hàng.
- Bán hàng ảo thay thế bán hàng trực tiếp: Những nhân viên hay hoạt động bán hàng ảo đang ngày càng thay thế các tương tác mặt đối mặt truyền thống; khách hàng có thể quan tâm đến việc thiết lập một cuộc trò chuyện qua video hơn là gặp mặt trực tiếp.
- Chu kỳ bán hàng (sales cycle) chậm hơn: Sau giai đoạn hoảng sợ do đại dịch, khách hàng trở nên thận trọng và cân nhắc nhiều hơn trước các quyết định chi tiêu, họ ít chấp nhận rủi ro hơn và do đó chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp sẽ trở nên chậm hơn.
- Các động lực từ thị trường: Tất cả mọi thứ từ các vấn đề về chuỗi cung ứng hay lạm phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm mua hàng của khách hàng. Chuỗi cung ứng và lạm phát có thể luân chuyển và thay đổi theo thời gian, nhưng cách người mua thu thập, tìm kiếm và sử dụng thông tin để mua hàng thì đã thay đổi mãi mãi.
Để có thể đối phó lại những thay đổi này từ phía khách hàng và thị trường, chuyển đổi doanh nghiệp không còn chỉ là câu chuyện của những người làm marketing nói chung, các giám đốc điều hành (CEO) sẽ phải thay đổi và thích nghi với những tư duy mới.
Hình dung lại các chiến lược marketing và bán hàng của doanh nghiệp.
Mọi bước tiếp cận với khách hàng trong suốt hành trình mua sắm của họ đều phải được tiến hành một cách nhất quán và liền mạch, cho dù đó là trền các nền tảng kỹ thuật số hay tương tác trực tiếp ở cấp độ con người.
- Môi trường ảo: Khi người mua sắm đã không thể gặp gỡ trực tiếp nhân viên bán hàng trong suốt đại dịch, họ đã dần trở nên quen thuộc với điều này. Mặc dù bán hàng trực tiếp (face-to-face selling) vẫn sẽ sớm quay trở lại, nhưng nó sẽ không bao giờ trở lại như lúc trước đại dịch. Các trải nghiệm mua hàng kỹ thuật số hay thông qua môi trường ảo đã tăng lên gấp 10 lần trong thời gian qua.
- Website: Người mua hiện đại ngày nay có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì họ muốn chỉ thông qua vài bước đơn giản. Họ có nhiều thông tin hơn, được trao quyền nhiều hơn để mua sắm mà không cần sự can thiệp hay hỗ trợ của nhân viên bán hàng hay thương hiệu. Trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số không chỉ còn xoay quanh các giỏ hàng; thương hiệu phải vun đắp và duy trì mối quan hệ bền vững hơn với khách hàng ở quy mô lớn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tập trung vào việc cung cấp những trải nghiệm ảo hấp dẫn hơn. Trong khi vô số thông tin trên các nền tảng trực tuyến có thể khiến khách hàng choáng ngợp hay thậm chí là không tin tưởng, website chính thức của thương hiệu nên là trung tâm của các trải nghiệm và cảm nhận của khách hàng về sản phẩm. Phát triển và tối ưu website phải là lĩnh vực trọng tâm chính của các CEO khi nói đến việc tương tác với khách hàng.
- Các điểm tiếp xúc với khách hàng: Truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội (social media) nên là ưu tiên tiếp theo trong chiến lược digital marketing đối với các CEO. Khi khách hàng ngày càng tương tác nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội, ở lại đó lâu hơn hay thậm chí là mua hàng (social commerce) nhiều hơn, việc bao gồm các kênh như Facebook hay TikTok vài chiến lược tổng thể là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Điều quan trọng các thương hiệu cần lưu ý là, dù cho các thông điệp được truyền tải ở đâu trên bao nhiêu điểm tiếp xúc khác nhau thì nó vẫn cần nhất quan về giá trị và cảm nhận thương hiệu.
- Dịch vụ khách hàng: Bộ phận bán hàng và marketing cần kết nối chặt chẽ với nhau hơn khi nói đến việc hỗ trợ khách hàng. Dịch vụ khách hàng nên đóng vai trò là chuyên gia về sản phẩm và đại sứ của thương hiệu – những nhân viên dịch vụ khách hàng cần phải có khả năng cung cấp nhiều thông tin hơn so với các thông tin sẵn có trên Google.
Các nhà lãnh đạo hay CEOs có thể rút ra được điều gì.
Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp càng nhanh chóng nắm bắt và thích ứng với những sự thay đổi sẽ càng có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với những ai vẫn đang cố gắng tối ưu lại các mô hình cũ trước đây của họ.
Các giám đốc điều hành giờ đây phải thích nghi được với các tư duy tiếp thị kỹ thuật số, các yếu tố công nghệ, suy nghĩ lại các chiến lược marketing của doanh nghiệp, tập trung vào các trải nghiệm kỹ thuật số và nhiều thứ khác.
Những khách hàng hiện đại muốn được trao quyền nhiều hơn để họ có thể tự tìm kiếm được thông tin, tự giáo dục chính mình và tự mua hàng.
Những CEO có thể giải quyết được những mong muốn này của khách hàng, tái đầu tư các chiến lược bán hàng và marketing của họ sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong một tương lai đầy bất ổn.